"Bé nhà tôi năm nay 2 tuổi,ềuphụhuynhbắtnạtgiáoviêskateboard đang học mầm non tư thục. Hôm rồi, con giành nhau đồ chơi với bạn ở lớp rồi bị ngã đập mặt (phần đuôi mắt) vào con ngựa bập bênh bằng sắt. Sau hôm đó, mắt sưng húp và thâm đen như mắt gấu trúc, nhưng may mắn là không bị tổn thương gì bên trong quá nghiêm trọng cả.
Dù hôm con ngã, các cô giáo đã xin lỗi gia đình về việc không để ý sát sao khiến con bị thương, nhưng đến hơn chục ngày sau, cho đến khi mắt con tôi đã đỡ thâm, ngày nào đến đón con tôi cũng thấy các cô xin lỗi, dằn vặt. Hôm nào, con chơi với bạn không may bị vài vết xước nhỏ, các cô cũng xin lỗi rối rít.
Thực ra tôi là người khá dễ dãi với việc con bị xước xát tay chân khi đi học bởi trẻ nhỏ thường hiếu động, khó tránh va đập. Nếu con không bị thương quá nặng đến mức phải điều trị hay đi viện thì tôi cũng thường xuề xòa cho qua, không trách mắng gì giáo viên. Bản thân con tôi ở nhà chơi có khi còn bị ngã nhiều hơn ở lớp, nên tôi hoàn toàn thông cảm với các cô giáo. Thế mới thấy, giáo viên ngày nay áp lực tới mức nào. Cảm giác họ rất sợ phụ huynh, vì không phải ai cũng như tôi".
Đó là chia sẻ của độc giả Thuyntxung quanh câu chuyện "Giáo viên e ngại phụ huynh" đang ngày một xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam. Từ đầu năm học đến nay, mạng xã hội liên tục lan truyền bài đăng của phụ huynh "tố" chuyện thu chi, ăn bán trú hay ứng xử của thầy cô. Một số sự việc bị phụ huynh đẩy đi quá xa hoặc không tìm hiểu kỹ, cố tình đăng sai sự thật. Hệ quả là giáo viên xuất hiện trạng thái tự vệ nghề nghiệp, thu mình, ngại cống hiến, sợ phụ huynh.
Nói về những sức ép ngày một lớn mà phụ huynh tạo ra với giáo viên, bạn đọc Duc Lekể về trường hợp của mình: "Con trai đầu của tôi hồi học mẫu giáo có trèo lên bàn, nhảy xuống đất, đến mức rách trán. Các cô giáo sau đó phải vội vàng đưa con vào bệnh viện Nhi Đồng 1 để khâu lại, đồng thời gọi cho tôi với giọng run lập cập. Khi gặp các cô, tôi phải xin lỗi ngược lại vì con mình quá hiếu động, làm phiền đến cô và nhà trường.
Lên lớp 4, con tôi lại tự va đầu vào cửa nhôm, chảy máu dầm đìa, chỉ vì lao vút ra cửa khi vừa dứt tiếng chuông báo giờ ra chơi. Thêm một lần nữa, cô giáo và bảo mẫu hốt hoảng đưa con đến bệnh viện khâu lại vết thương, rồi gọi cho tôi xin lỗi rối rít. Thực ra, tôi hiểu rõ rằng đây không phải lỗi của giáo viên, nên chỉ xin lỗi vì đã làm các cô lo lắng, đồng thời cảm ơn vì họ đã chăm sóc cho con chu đáo. Giờ tôi thấy phụ huynh cứ hở ra là ăn vạ giáo viên, con bị gì cũng bắt vạ giáo viên, thật khó hiểu".
>> 'Thiếu kiềm chế khó làm giáo viên'
Nhấn mạnh sự bất công với giáo viên khi phải nhận sức ép vô lý từ phía phụ huynh học sinh, độc giả Nguyễn Anh Dânbình luận: "Việc học sinh chơi đùa ngoài giờ học, tự ngã gây chấn thương là rất bình thường. Đó không phải là lỗi của thầy, cô giáo và nhà trường. Trẻ con hiếu động ở mọi cấp học, chơi đùa chạy nhảy, bị thương tích là điều khó tránh, không thể đổ mọi tội lỗi, trách nhiệm lên giáo viên.
Chẳng lẽ, giờ ra chơi, 40-50 học sinh ùa ra khỏi lớp, em ra sân đùa giỡn, em đi vệ sinh, em đến canteen, em sang lớp khác tìm bạn... thì giáo viên chủ nhiệm cũng phải "phân thân" để bám sát từng em một, để làm tròn "trách nhiệm" mà phụ huynh đặt ra cho mình hay sao? Hay giờ ra chơi hoặc giờ tan học, nhà trường phải huy động toàn bộ giáo viên đi theo giám sát các em, canh chưng để không một sự cố nhỏ nhất nào được xảy ra?".
Lo ngại trước việc phụ huynh gây sức ép quá nhiều lên giáo viên sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ, bạn đọc Mèođặt dấu hỏi: "Cứ với đà này, tôi rất quan ngại rằng học sinh sẽ ngày càng quậy phá và ngang ngược. Tại sao thời bây giờ cứ phải xem học sinh và phụ huynh là "ông trời"? Tại sao cứ hễ chuyện gì xảy ra là người ta lại đổ lỗi ngay cho giáo viên? Đã vậy, giáo viên lại còn bị giới hạn quyền răn dạy học sinh. Vậy có công bằng với họ?
Theo tôi, nên có quy định học đường rõ ràng, cụ thể, để giáo viên và nhà trường không bị lạm dụng và đổ thừa một cách quá đáng như hiện nay.Lỗi do học sinh gây ra thì bản thân em đó phải chịu sự trừng phạt phù hợp theo quy định của pháp luật. Chúng ta không thể bắt ép, bắt nạt giáo viên. Điều đó là hoàn toàn sai".
Việt Thànhtổng hợp
>> Quan điểm của bạn thế nào? Gửi bài tại đây. Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.