Nêu ý kiến thảo luận chiều 1.11,ốcBếnLứtra câu đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết ông từng đề xuất Bộ GTVT quan tâm đầu tư xây dựng cầu cạn cao tốc trên vùng đất yếu. Bộ trưởng Bộ GTVT đã ghi nhận nhưng tới nay mới “dừng ở khâu nghiên cứu”.
Lý do, Bộ GTVT cho biết tổng mức đầu tư xây dựng cầu cạn gấp 2 - 3 lần xây dựng đường trên nền đất yếu. Tuy nhiên, theo ông Hòa, Bộ GTVT chỉ tính chi phí đầu tư cao nhưng chưa tính hiệu quả lâu dài của dự án cầu cạn. Xây dựng cao tốc ở vùng đặc thù khác ở nơi khác trong cả nước, với địa hình thấp nền đất yếu do ngập nước hàng năm vào mùa lũ, sụt lún, nước biển dâng, thiếu cát san lấp.
“Thiếu cát sẽ phải tận thu khai thác cát, gây sạt lở bờ biển. Khai thác cát biển thì môi trường biển bị xáo trộn. Cát sông thì không chỉ để xây cao tốc mà còn phục vụ xây dựng nhà dân, đang khan hiếm và giá thành cao, khai thác cát sông còn gây sạt lở bờ sông, gây sụt lún nghiêm trọng ở nhiều địa phương”, ông Hòa nêu.
Cũng theo đại biểu đoàn Đồng Tháp, quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long có 6 cao tốc, tổng chiều dài 1.166 km, mục tiêu đến năm 2026 vận hành 544 km, còn lại đầu tư đến 2030, nhưng đang chậm so với kế hoạch. Chưa kể nhiều tuyến sau khi hoàn thành công trình còn chờ gia tải, như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hiện chỉ cho khai thác 80 km/giờ.
"Cao tốc Bến Lức - Tân An xuống cấp, mặt đường loang lổ như chiếc áo vá nhiều lỗ, chi phí duy tu bảo dưỡng cao. Trong khi đoạn xây trên cầu cạn không bị sụt lún, không bị loang lổ như xây trên nền cát lún", đại biểu Phạm Văn Hòa nêu.
Theo ông Hòa, tình hình sạt lở bờ sông tại Đồng Tháp, An Giang… không phải do biến đổi khí hậu mà do khai thác cát gây sạt lở nền đất yếu, phù sa hàng năm về cạn kiệt. Do đó, việc xây cầu cạn trên nền đất yếu là giải pháp hiệu quả nhất. Gần đây Bộ Xây dựng đã tổ chức hội thảo quốc tế, đa số ý kiến cho rằng, xây dựng cầu cạn trên nền đất yếu là phù hợp.
Ngoài những yếu tố bất lợi xây dựng trên nền đất lún, việc xây dựng cầu cạn sẽ có lợi lâu dài đó là thu hồi đất ít hơn, không ngăn dòng chảy khi có lũ, không ảnh hưởng đến thủy lợi để tưới tiêu, môi trường sinh thái được đảm bảo hơn.
Xây cầu cạn cao tốc thì cũng không phải làm đường dân sinh, người dân có thể sinh hoạt dưới cầu cạn bình thường, đặc biệt là ít sử dụng cát, đất để san lấp mặt bằng, dễ kiểm soát khối lượng chất lượng, chủ động về tiến độ thi công.
Theo Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 8 dự án đường cao tốc, với tổng cộng 463 km chạy qua 10 tỉnh.
Các dự án này có nhu cầu về cát san lấp rất lớn, cần khoảng 53,7 triệu m3cát san lấp nền. Trong đó, nhu cầu cát san lấp nền của các dự án năm 2023 khoảng 16,78 triệu m3, năm 2024 khoảng 23,63 triệu m3.