Những ngày đầu tháng 10,ểmkhiđặtvậtnặngtrênmáinhàxsmn chủ nhật mưa lớn trên diện rộng và tin tức áp thấp nhiệt đới có thể mạnh thành bão làm cô Hai (Quận Bình Thạnh, TP HCM) đứng ngồi không yên. TP HCM là một trong những địa phương ít chịu ảnh hưởng của giông bão, nhưng cô Hai đã có trải nghiệm nhớ đời.
"Cô nghe tiếng ầm ầm lớn như tiếng nổ từ trên mái nhà. Một bồn nước inox từ mái nhà rơi xuống tầng trệt nhà cô, ngay vị trí đứa cháu vừa ngồi học", cô Hai chia sẻ. Hôm đó trời mưa và có gió mạnh, cũng may cháu trai cô Hai vừa bước ra khỏi chỗ ngồi.
Bồn nước inox 2000 L của nhà hàng xóm ngay bên cạnh. Khi xảy ra sự việc, nhà hàng xóm không có ai ở nhà. Nhà cô Hai thủng một lỗ lớn, thẳng từ mái nhà xuống nền tầng trệt, xuyên qua 2 tầng sàn bê tông. Sau đó, người hàng xóm đã sửa chữa và đền bù mọi chi phí cho gia đình cô Hai.
Một hàng xóm của cô Hai chia sẻ thêm, sau sự việc bồn nước rơi trong xóm, các nhà đều nhờ thợ đến gia cố thêm phần chân đế, bắt chặt xuống mái nhà. Nhiều gia đình loay hoay tìm vị trí khác nhưng không biết để đâu cho phù hợp.
Tương tự, anh Toàn (Quận 4, TP HCM) từng chứng kiến bồn nước inox bị gió rung giật khi trời chuyển mưa, đinh ốc phần chân đế lung lay. Văn phòng làm việc là một tòa nhà cao tầng tường kính, từ vị trí của anh có thể thấy rõ nhiều mái nhà.
"Tôi nhiều lần thấy các bồn nước inox rung lắc dữ dội trên mái nhà khi trời mưa gió. Bên cạnh bồn nước, nhiều gia đình đặt dàn nóng máy lạnh. Đôi khi các vật nặng này chỉ tựa vào chân đứng hoặc tựa vào nhau mà không thấy dây giữ chặt", Toàn chia sẻ.
Trên thực tế, bồn nước inox rơi ít khi xảy ra. Nhưng nếu rơi vào các trường hợp bồn không đầy nước, chân đế không bắt chặt, bồn đặt trực tiếp trên mái nhà, kèm giông gió lớn thì hoàn toàn có thể xảy ra nguy hiểm khi vật nặng rơi từ trên cao xuống. Đặc biệt, một số gia đình tự làm phần chân đế rất cao so với phần chân đế nguyên bản của thiết bị, gây mất cân đối tải trọng, có thể rung lắc gây rơi.
Kiến trúc sư Lê Xuân Thắng (ThietThach Group) cho biết, bồn nước inox đa phần được sử dụng để tạo thêm áp lực nước trong sinh hoạt, thông dụng và chưa có giải pháp thay thế. Mỗi loại mái nhà sẽ có vị trí lắp đặt và độ an toàn khác nhau.
Ưu điểm của bồn nước inox là rẻ, bền, hữu ích, dễ vệ sinh, dễ thay thế. Lắp đặt các thiết bị như bồn nước inox, máy nước nóng năng lượng mặt trời, dàn nóng máy lạnh thường khá giống nhau. Các thiết bị được lắp chặt vào chân đế bằng ốc vít, phần chân đế được bắt chặt vào nền bằng khoan, bắt bu lông.
Đối với nhà có sàn mái bê tông cốt thép, phần chân đế các vật nặng này thường được bắt ốc vít gắn chặt vào nền sàn mái. Tương tự với nhà có sân thượng, các vật nặng cũng được quy hoạch ở một khu vực riêng với phần chân đế gắn chặt vào sàn sân thượng. Các trường hợp này đảm bảo 100% an toàn và bồn nước inox, dàn nóng máy lạnh, máy nước nóng năng lượng mặt trời không thể rơi.
Kiến trúc sư Võ Thanh Lâm (Giám đốc Công ty Nhà Việt Xanh) cho rằng, để tăng mỹ quan cho ngôi nhà, khi đặt bồn nước trên sàn mái bê tông, nên xây tường che hoặc làm lồng bao phủ, bên trên có mái che. Việc thi công này tăng độ an toàn, bảo vệ bồn nước inox không bị xê dịch và đặc biệt mái che sẽ giảm hấp thụ nhiệt, tránh tình trạng nước đi ra từ bồn inox quá nóng khi hấp thu nắng gắt của TP HCM.
Các nhà cũ dạng mái mái tôn hoặc mái ngói, nếu có dùng bồn nước inox, thường được đặt lên mái nhà. Vị trí lắp đặt này, theo ông Võ Thanh Lâm, hoàn toàn không đúng. "Nhà mái tôn hoặc mái ngói nên đặt bồn âm trong mái, không nên đặt trên mái vì không an toàn, không khả thi, không đi ống cấp lên và xuống được, khó bảo trì bảo dưỡng", ông Thắng cho biết ý kiến.
Trường hợp đặt bồn nước inox trên mái tôn hoặc mái ngói thường xảy ra ở các nhà cấp 4 đã xây dựng khá lâu, có nhu cầu phát sinh thêm, hoặc khi mái nhà thấp nên không đặt ở áp mái được. Hiện nay, khi xây dựng mới, dù nhà dùng mái tôn hoặc mái ngói, nếu được các kiến trúc sư thiết kế đúng, cũng sẽ tính toán vị trí đặt thiết bị âm trong mái, vì các thiết bị hoàn toàn có khả năng rơi từ mái nhà xuống đất. Hướng thiết kế thường sẽ giấu hoàn toàn bồn nước inox bên dưới chóp nhọn của mái ngói, hoặc chừa ra một khoảng nhỏ, xây lan can cao 20-40 cm để đặt bồn nước inox.
Cách khắc phục tạm thời dành cho các nhà mái tôn hoặc mái ngói cũ đang đặt trực tiếp các vật nặng trên mái là khoan chặt phần chân đế vào mái và dùng dây ràng kỹ. Hoặc giải pháp đơn giản mà nhiều nhà cấp 4 đang áp dụng là đặt bồn chứa nước trên nóc nhà vệ sinh. Cách đảm bảo an toàn hơn là đổ 2-5 m2 sàn mái bê tông ở phía sau nhà. Phần bê tông cốt thép này vừa là sênô (mang hứng nước) thu nước vừa là chỗ vững chắc đặt bồn nước, dàn nóng... Tuy nhiên, thao tác này cần xin phép sửa chữa.
Theo kiến trúc sư Lê Xuân Thắng, một số gia đình định hướng xây bồn chứa nước trong nhà và không dùng bồn chứa inox. Nhưng cách này sẽ có các vấn đề cần lưu tâm: chống thấm, khó vệ sinh, không đổi dung tích được khi có nhu cầu và nhiều khả năng sẽ xây dựng sai phép.
Khánh An