Vui học mỹ thuật tại bảo tàng
Đó là chương trình được Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng triển khai,ọcởbảotàngcùngnhiềutrảinghiệmthúvịxs mt áp dụng cho đối tượng là các em học sinh trong năm 2023. Đến với Vui học mỹ thuật tại bảo tàng, các em học sinh sẽ được học tập chuyên đề về mỹ thuật do bảo tàng đưa ra.
Trước đó, các trường học sẽ lựa chọn chuyên đề phù hợp với học sinh của mình và đăng ký với bảo tàng. Với mỗi chuyên đề, các em sẽ được tham gia trong khoảng thời gian 90 - 120 phút.
Trong buổi học, ngoài phần trao đổi, tương tác với các họa sĩ, các em sẽ được trải nghiệm thực tế, như: tiếp cận các phương tiện, chất liệu dùng để sáng tác mỹ thuật, thử dựng bố cục cho tranh, cách thức pha màu, tạo chất, các hoạt động vẽ, in tranh…
"Với sự hướng dẫn trực tiếp từ các họa sĩ cùng với những trải nghiệm thực tế thú vị, khác hẳn với giờ học ở trường lớp, Vui học mỹ thuật tại bảo tànggiúp các em mạnh dạn, chủ động hơn trong học hỏi những kiến thức về mỹ thuật. Có thể nói đó một trong những hoạt động giáo dục bổ ích, đồng thời là một sân chơi thú vị cho các em thỏa sức học hỏi, sáng tạo…", bà Nguyễn Thị Trinh, Phó giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng chia sẻ.
Bà Trinh cho hay, vào đầu mỗi năm học, bảo tàng đều xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục cho học sinh trên địa bàn. Sau đó, thông qua Sở VH-TT TP để có sự phối hợp với Sở GD-ĐT TP triển khai tổ chức, tạo điều kiện cho học sinh đến tham quan, học tập, trải nghiệm...
"Những năm qua, thực hiện chương trình "Đẩy mạnh các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hóa đến năm 2030" đã được Chính phủ phê duyệt, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tích cực xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện, không chỉ bằng những chương trình giáo dục cụ thể mà còn lồng ghép mục tiêu giáo dục, truyền tải tri thức thông qua hầu hết các hoạt động trưng bày, triển lãm, trải nghiệm nghệ thuật, truyền thông...", bà Trinh nói.
Vừa qua, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng đã tổ chức các hoạt động giáo dục dành cho học sinh, sinh viên, như: trải nghiệm làm lồng đèn vui Trung thu; trải nghiệm mặc trang phục Yukata và gấp giấy nghệ thuật Origami; tổ chức lớp học mỹ thuật và các hoạt động trải nghiệm nghệ thuật thường xuyên vào dịp cuối tuần. Trong dịp Tết Nguyên đán 2023 sẽ có chương trình dành cho học sinh trải nghiệm nghệ thuật, gồm: vẽ tranh, tô tranh, in tranh dân gian VN, làm lịch đón tết.
Sinh hoạt học thuật về văn hóa Chăm
Trung tuần tháng 9 vừa qua, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng đã tổ chức buổi trao đổi học thuật, chủ đề Phật giáo Champa qua bộ sưu tập điêu khắc Đồng Dương, với sự tham dự của đại diện lãnh đạo, giảng viên và hơn 70 sinh viên từ Khoa Lịch sử và Khoa Ngữ văn - Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Khoa Du lịch - Đại học Kinh tế Đà Nẵng và Khoa Du lịch - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng.
Hoạt động nằm trong chuỗi sinh hoạt học thuật dành cho đối tượng sinh viên trên địa bàn TP, được bảo tàng thí điểm triển khai từ năm 2023.
Tại buổi trao đổi, bà Nguyễn Hoàng Hương Duyên (Phòng Giáo dục - Truyền thông, Bảo tàng Điêu khắc Chăm) đã có phần trình bày tổng quan về Phật giáo và nền nghệ thuật Phật giáo Champa qua các tác phẩm điêu khắc có xuất xứ từ di tích Đồng Dương - nơi được xem là trung tâm Phật giáo quan trọng nhất của vương quốc Champa xưa.
Tiếp đó, các giảng viên và sinh viên đã tham quan các tác phẩm điêu khắc tiêu biểu tại phòng trưng bày Đồng Dương. Đặc biệt, đoàn đã có cơ hội được chiêm ngưỡng bảo vật quốc gia - bức tượng đồng Bồ tát Tara đang được lưu giữ tại kho đặc biệt của bảo tàng.
Trước đó, vào tháng 5.2023, Bảo tàng Điêu khắc Chăm đã tổ chức buổi trao đổi học thuật với chủ đề Siva giáo thể hiện qua bộ sưu tập các tác phẩm điêu khắc trưng bàytại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng với sự tham dự của hơn 50 sinh viên và giảng viên từ 2 trường đại học trên địa bàn.
Bảo tàng Điêu khắc Chăm cho biết, qua chuỗi sinh hoạt học thuật năm 2023, bảo tàng đã nhận nhiều đánh giá cao về sự hữu ích của các nội dung, trao đổi đối việc dạy và học của các nhà trường cũng như các sinh viên.
Theo ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, bảo tàng luôn quan tâm đến việc xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục tại bảo tàng, đặc biệt đối với đối tượng công chúng trẻ là học sinh, sinh viên. Qua đó, đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên thông qua di sản văn hoá; các hoạt động phục vụ học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, trung tâm văn hoá giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn.